Sáng nay Sài gòn mưa tằm tả ,mưa từ 4 giờ khuya qua mà 8 giờ sang nay vẫn chưa dứt. Lâu rồi cái nắng đắng đót của mảnh đất ngột nghẹn này làm tôi cáu hơn thường lệ, chỉ dịu lại khi có chút mùi ẩm mốc của mùa mưa. Tôi nằm trèo queo trong tấm chăn mỏng màu vàng đã chuyển sang màu cháo lòng từ thuở nào không biết, cuốn mấy vòng mà vẫn nghe run cầm cập.
TV báo tin chiều này sẽ còn có bão.
Lại áp thấp nhiệt đới. Xứ mình nằm trên vùng nhiệt đới cứ hai mùa làm riết. Sài Gòn nắng mưa. Sài Gòn mưa nắng. Sao tự nhiên lâu lâu thèm cái rét đầu đông của Hà Nội khôn siết. Tôi chẹp chẹp miệng, thiu thiu ngủ tiếp.
Tiếng nhạc ở đâu vọng lại nghe buồn xao xát. Quán café đầu ngõ của ông Sáu nhỏ xíu cỡ cái hột quẹt mà khách đông thấy lơ luôn. Đôi lúc kêu ly café đen mà không có ghế ngồi, khách mạnh ai náy tìm một chỗ nép vào. Phục vụ không có tiếp viên trẻ đẹp, chân dài giống mấy quán khác, mà chỉ có ông già Sáu ốm nhách, luộm thuộm. Khuôn mặt sằng sùi, đen đuỗi, đầy nghẹt những nét nhăn chăn chịt giống con sông Sài Gòn tỉa ra thành nhiều nhánh nhỏ quằng quèo.
-Bản đồ của cuộc đời đó bây. Ông già hay nói vậy với tụi con nít trong xóm.
Quán café ông Sáu tềnh toàng một tấm che ni long cũ kỹ, lâu rồi không thay. Quán không có máy lạnh, mà chỉ xài toàn khí trời suốt hai mùa; mưa-nắng. Trên chiếc xe đẩy cà tàng đầy đủ đồ nghề làm café của ông già Sáu lúc nào cũng có treo một tấm bảng gỗ đề là Quán Café Nhớ. Lâu lâu tôi thấy ông già thộc tay vô túi quần lấy ra cục phấn viền lại tấm bảng, tay ông già run run gằn mạnh chữ Nhớ, bụi phấn rớt xuống y hệt màu tóc quá nửa đời người của ông già. Hỏi sao lấy tên gì mà ky cục vậy, ông Sáu không thèm nói mà chỉ đâu xa xôi ra ngoài ngõ, hình như ông già đang ngóng ai, chờ ai, mà chờ hết mấy mùa mưa nắng rồi chưa thấy về…
Khách đến đây một lần là đến riết, đến hoài.Hổng đến ngày nào là cảm thấy thiếu thiếu, bực bội, giống như cảm thấy ngứa mà hổng biết chỗ nào để gãy. Rồi lại rủ nhau chiều nay đi café Nhớ để bớt …nhớ.
Lấy tên là vậy mà ông già hay quên. Nói đó rồi lại quên đó.
Khách kêu ly café đen đá ông mang ra ly café nóng, xin bình trà nóng ông mang ra ly trà đá. Khách quen uống thiếu, ông già cũng không thèm ghi chép xuống, miệng nói ‘’ Tao thiếu ai thì tao quên, chứ ai thiếu tao là nhớ hết á’’ Vậy mà hôm sau đem tiền trả, ông già cầm tờ tiền lật qua lật lại, hỏi cắt cớ ‘’ Tiền gì mà bây đưa tao vậy nè’’. Trong đám khách đang ngồi chồm hõm khuấy ly café sẽ có ai đó kêu lên ‘’ Bố già lẩm cẩm rồi bố ơi!’’ Ông già nhét tờ tiền vào túi áo cười hè hè, để lộ hàm răng đã mất hàng tiền vệ, chỉcòn lèo tèo vài chiếc để làm duyên. ‘’Gìa mà còn được lắm nha bây.’’
Ông già Sáu có thói quen ai đến quán ông đều kêu là con. Khi thì ‘’ Con trai uống gì?’’ lúc thì lại nghe ‘’ Con gái uống gì để tía làm?’’ Quán Nhớ có trên chục năm, không biết ông già Sáu đã có bao nhiêu đứa con là khách vãng lai đến rồi đi, đã có bao nhiêu người vô tình mang cho ông già cái cảm giác lâng lâng được xưng là tía, dù chỉ là tía trong giây lát….
Tiếng hát của Khánh Ly phát ra từ chiếc máy cát sé cũ mèm, sứt xẹo của quán Nhớ làm tôi nhớ quá trời…Mà nhớ gì cũng hổng biết, có sống trong cái thời của ông già sáu đâu mà vẫn thấy đau đáu một nỗi niềm khó tả. Ông già tính đầu độc thanh niên trong xóm hay sao mà nguyên ngày toàn nghe nhạc vàng, nhạc thập niên hồi đó.Đôi khi tôi tưởng mình đang sống lại cái thời tuổi trẻ của ông già,của thầy tôi, của ba tôi, của những khuôn mặt nhàu úa, đôi mắt buồn mang nợ quá khứ…Hình như tôi sinh ra nhầm thế hệ, đáng lý tôi phải thuộc về thế hệ của họ…
Gần đến 1 giờ trưa mưa vẫn còn rỉ rả trên nốc nhà. Nhiệt độ đang rớt xuống. Gió có khi giống cô nàng lẵng lơ ngoài khung cửa, có khi lại tư lự giống bà già, giận dữ giống kẻ đang ghen.
Chiều quán Nhớ điều hiu, ế chổng ế chèo, khác xa với tiếng ồn ào, náo nhiệt buổi sáng. Ông già lù khù lau hết bàn rồi lau lại ghế cho khỏi bụi. Không có khách, ông tranh thủ chạy qua chiếc xe bánh mì đối diện mình.
Tám bán tôi ổ bánh mì …không. Móc trong túi ra hai ngàn lẻ. Rồi chạy về quán, ngồi chồm hỏm gậm bánh mì, đọc báo.
Để coi hôm nay giá vàng lên bao nhiêu, đô xuống bao nhiêu.
Lãng nhách, bán café dạo mà cũng đi coi giá vàng. Bà Tám chóng nạnh, nói có vẻ mỉa mai. Ông già quay lên miệng cười hè hè ra điều không giận.
Thì coi để kiếm tiền mua chứ Tám. Mà giá vàng lên, nhiều người làm giàu lắm nha Tám, lỡ sau này tôi giàu tôi qua tôi cưới Tám, Tám chịu hông?
Gìa mà không nên nết ai thèm lấy ông. Bà Tám nệnh con dao thiệt mạnh xuống tấm thớt, thiếu điều tấm thớt muốn nứt làm đôi. Thiệt ra khoái thấy mồ mà làm bộ làm tịch.
Ông già đọc đến mục nhắn tin tìm người thân tự nhiên khuôn mặt tỏ ra đăm chiêu, dí sát con mắt vào tờ báo, giống ông già đang dõi tìm cái tên nào quen thuộc trên đó mà tìm đỏ con mắt cũng không thấy, tay ông buông tờ báo có chút thất vọng. Bà Tám xếp lại mấy ổ bánh mì mà thở dài, nghe bầm tím khúc ruột. Ai cũng nói sao ông Sáu vô tình quá vậy, ông già ngồi im bập thuốc nhìn Tám đang bỏ mấy cọng ngò vô bánh mì, không biết ngò cay hay sao mà đôi mắt Tám nhìn muốn khóc.
Không ai biết tại sao ông già hay đọc mấy mẩu tin vụng vặt đó rồi tự ngồi buồn bâng quơ một mình. Chỉ biết tại sao mà bà Tám hay buồn vô duyên dù không phải chuyện mình. Tại Tám thương ông Sáu, thương thiệt tình thiệt dạ, chờ ông Sáu hoài mà ông Sáu thì lỡ thương người khác rồi, cũng thương y chang Tám thương ông, có khi còn sâu đậm hơn vậy nhiều…
Hôm tôi thất tình, ông Sáu rũ vô quán Nhớ uống mấy ly cho hết …nhớ. Ông già cầm chai rượu trắng rót đầy hai cái chun rượu nhỏ xíu .
Sao giống chun cúng ông địa với ông thần tài quá vậy tía. Ông già cười hè hè, vết nhăn kéo dài sau đôi mắt ‘’ Thì nó đó’’ .
Hôm đó khuất trăng, ánh đèn đường lòa nhòa len lói vào con hẻm. Tôi với ông già Sáu ngồi nhậu , mà muỗi chích quá đỗi, phải kéo bàn qua phía Tám ngồi cho khỏi muỗi.
Ông Sáu uống ít, mà nói cũng ít, ông ngồi nghe, rót rượu thì nhiều.
-Sao nhìn mày thãm hại quá con.
-Thất tình mà tía.
Rồi cũng quên thôi con. Tuổi trẻ tụi bây mau quên lắm. Ông sáu ngồi lắt lắt ly rượu, đôi mắt thèm thuồng mà không bận kề vào môi uống.
Mà sao cảnh này quen quá vậy nè, sao tôi giống ông già hồi còn trẻ. Câu nói đó cũng quen quá, hình như hồi thất tình tía ổng cũng nói với ổng y hệt vậy. Lúc đó ông hai mươi, giờ thì cũng đã chạm đến cái ngõ của ba ông lúc đi, quá nửa đời rồi mà có quên được đâu, có nguôi ngoa chút nào đâu. Vậy sao tối nay ông lại lôi câu nói cũ rích đó ra để khuyên tôi.
Tại ông già đâu còn câu nào khác, tại tía ông nói vậy…mà không phải vậy.Má ông cũng hay trách sao tía bây hay giật mình kêu tên ai giữa khuya, hỏi thì ông không nói mà đàn bà họ nhạy cảm, họ biết hết đó. Lâu lâu lại thấy má ngồi khóc, cố ghìm tiếng thở dài để tía ông trong mùn không nghe thấy. Hồi đó trách tía phụ rẫy má ông, mà ông già có phụ rẫy ai đâu, chỉ tại số phận vẽ bậy…
Trời về khuya rét dần, đôi vai ông già cũng gục dần xuống, nhìn ông già co ro, gầy gụa sao tôi thấy xót, thấy có gì giống ba tôi, ông nội tôi. Tám lấy tấm áo mỏng lét của của mình kêu :
Ông già trùm lên cho khỏi lạnh, nhậu kiểu này dễ trúng gió quá. Thôi, mày cho ổng về đi con.
Ông Sáu ngồi lỳ châm điếu thuốc, tay gãy gãy. Chỗ này cũng muỗi quá mậy.
Mấy hôm sau, khách đến quán thấy bàn ghế lạnh lẽo trong xó hóc, xe café ông già trống hoác, trên xe treo tấm bảng đề ‘’ Tạm đóng ‘’. Ông già Sáu biến mất đột ngột mấy ngày liền, quán Nhớ không bán buôn gì, ai cũng nói ông già chán bán café dạo rồi, đang chuyển sang bán vàng.
Tôi hỏi Tám có biết ông già đi đâu hông. Tám cầm dao rọt ruột ổ bánh mì, hỏi lại câu lãng nhách...