Kiến thức
'Khủng hoảng thừa' khiến teen quên mơ ước
Ngọc Lan, sinh viên giỏi một trường đại học ở TP HCM đã làm cả lớp bất ngờ khi nói trong bài thuyết trình rằng mình không có ước mơ gì bởi từ nhỏ đến giờ, ba mẹ đã lo cho em đủ thứ, từ tinh thần đến vật chất, cả những thứ em chưa cần.
"Mọi chuyện đã được ba mẹ tôi vạch sẵn: từ việc học trường nào cho đến việc khách sạn của gia đình đang chờ tôi quản lý sau khi xong đại học. Vì vậy, tôi chẳng cần phải lo nghĩ về tương lai, việc làm. Đến hôm nay, khi bị "quê" trong lớp, tôi mới nhận ra suy nghĩ đó thật ấu trĩ. Có ước mơ thì ta mới có mục tiêu để sống và sống có ích thực sự. 20 tuổi tôi mới nhận ra điều này, liệu có muộn?", Lan tâm sự trên blog của mình.
Tuổi trẻ luôn được xem là thế hệ năng động, tự tin và đầy ắp ước mơ, hoài bão... Thế nhưng ngày nay, không ít bạn trẻ chẳng hề có ước mơ, khát vọng vì cuộc sống của họ đã quá đầy đủ. Họ chẳng biết mình thích hay muốn gì. Các chuyên gia tâm lý gọi đây là hội chứng "khủng hoảng thừa" ở giới trẻ.
Cũng như Ngọc Lan, mới học lớp 11, Hải Yến, quận Phú Nhuận, TP HCM đã được ba mẹ tậu cho chiếc Vespa trị giá hơn 80 triệu đồng. Với Yến, tiền bạc chẳng bao giờ là mối bận tâm. Cô được ba mẹ chu cấp, đáp ứng mọi nhu cầu.
Ba mẹ Yến bận bịu suốt ngày, ít có thời gian trò chuyện với con, nên từ bé, Yến đã được họ đáp ứng mọi yêu cầu vật chất để bù đắp tình cảm. Sợ con ra ngoài tụ tập bè bạn, mê chơi bỏ học, ba mẹ Yến đã đầu tư một phòng karaoke xịn tại nhà. Cứ cuối tuần là Yến mời nhóm bạn thân đến ca hát, nhảy múa, ăn uống thỏa thích. Dĩ nhiên Yến chẳng bao giờ phải đụng tay vào việc nhà, mọi thứ đều được người giúp việc lo. Ba mẹ chỉ giao cho Yến một nhiệm vụ: "Ráng tốt nghiệp đại học, rồi ba mẹ giao hệ thống cửa hàng cho con quản lý”.
Nguyễn Vũ ở quận 10, 19 tuổi, mới vào năm nhất đại học, nhưng đã sở hữu một con "Mẹc" trị giá hơn tỷ đồng. Trong lớp, bạn học đặt cho Vũ nickname "đại gia", vì anh chàng xài toàn đồ hiệu. Mỗi lần Vũ tỏ ra chán học là ba mẹ động viên: "Gia sản nhà mình đồ sộ, ba mẹ chỉ có mình con, nếu con không chịu học hành thì sau này làm sao quản lý được?".
Bạn bè Vũ thường nói: "Mày không làm gì cũng chẳng lo đói, tiền của nhà mày ăn ba đời chưa hết!". Có lẽ vì vậy mà Vũ không bận tâm lắm đến việc phải học hành chăm chỉ để sau này có việc làm tốt.
Tâm lý của những bậc cha mẹ nói chung đều mong muốn con mình được sống sung sướng, đầy đủ về vật chất, không thua kém bạn bè... Vì vậy, khi đời sống kinh tế khá lên, những phụ huynh giàu có rất chú trọng đến mục tiêu này và vô tình biến con thành những cậu ấm, cô chiêu... chỉ quen thụ hưởng.
Để có được điều kiện sống tốt, mỗi người phải lao động để tạo ra của cải vật chất. Những người thiếu thốn hay điều kiện sống khó khăn thường luôn luôn hướng về phía trước, không ngừng ước mơ, suy nghĩ tìm cách thay đổi cuộc sống. Với họ, những đồng tiền kiếm được, dù lớn hay nhỏ đều do giá trị của lao động và do đó, họ biết nâng niu, quý trọng những thứ mình có. Ngược lại, những bạn trẻ quen được cha mẹ "bao cấp", thường thiếu động lực vươn lên, kiếm tiền, làm giàu...
Con người làm việc, kiếm tiền vì hai lý do: để điều kiện sống tốt hơn và cảm nhận giá trị của lao động. Cả hai yếu tố đó đều nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các bạn trẻ được "bao cấp". Vì các bạn đã được cha mẹ trải sẵn "con đường hoa hồng" và cứ thế ung dung đi trên con đường ấy.
Theo các chuyên gia tâm lý, bảo bọc con quá mức hay động viên, khích lệ con bằng vật chất sẽ khiến con cái ỷ lại, không biết quý trọng những thứ mình đang có (vì không bỏ công sức ra) và không cảm nhận được những giá trị sống tích cực. Nguy hại hơn, việc này có thể khiến trẻ sống lệch: đánh giá, đo lường mọi việc bằng vật chất và dễ đi tìm những cái mới từ các giá trị sống tiêu cực: ăn chơi, cờ bạc, hút chích... Từ đó, các em sống không có ước mơ, mục tiêu...
Để con cái có thể vững bước vào đời và sống có ích, cha mẹ phải là người bạn đường, người thầy định hướng giúp con hoạch định cuộc sống, tương lai cũng như trang bị cho con những kỹ năng sống: tự lập, đương đầu với khó khăn, chấp nhận thất bại... Cha mẹ không nên làm