Ấy biết không, có một công việc part time rất thú vị, rất đơn giản, rất… có thu nhập, và lại vẫn giúp mình có thêm trải nghiệm – “sau này ra đời đỡ bỡ ngỡ”. Ấy có muốn thử không? Tớ sẵn sàng chia sẻ!
Thành thật… khoe: Tớ đang làm một trong các nhân viên trực điện thoại của tổng đài có tên là “Nghe bởi trái tim”. Dù là công việc part time, nhưng tớ có thể làm cả ngày. Vì tổng đài “xịn” đến mức nhân viên không phải ngồi ịch một chỗ đâu: mỗi người có một mobile riêng, và đấy, muốn tung tăng đi đâu thì đi, miễn là khách hỏi gì thì đều trả lời được (tất nhiên, trong một phận sự và giới hạn nhất định thôi. Mình có phải bách khoa toàn thư đâu?).
Nào, bây giờ ấy hứng thú hơn rồi chứ? Bắt đầu nhé!
***
Đầu tiên, ấy không phải lo lắng một milligam nào về “vấn đề chiều cao, vấn đề cân nặng”. Ngay cả đòi hỏi “giọng chuẩn, không nói lắp, không nói ngọng” cũng không cần thiết!
Ấy cũng đừng lo rằng mình: ngố, nhí nhố, trẻ con, lơ nga lơ ngơ chẳng biết gì .v.v. Tớ đây là một ví dụ điển hình cho tất cả những thứ đó gộp lại. Mà tớ, vẫn làm việc tốt đấy thôi?
Cực kỳ đơn giản, ở vòng phỏng vấn, ấy sẽ được đề nghị thử tư vấn một ca xem thế nào!
Sau đây, tớ sẽ trình bày nguyên xi ca tư vấn của tớ .
***
Cầm trong tay cái điện thoại rất xinh. Nó im lìm, trong khi tim tớ rung bần bật.
Và, khi nó kêu inh ỏi, rung bần bật, thì tim tớ - dường như đứng yên. Thu hết… dịu dàng, giọng tớ run run:
- Tổng đài Nghe bởi trái tim xin nghe!
- Alô. Cô, tôi muốn hỏi, có những chỗ nào tương tự như… hừm, nói lịch sự là trung tâm điều trị tâm thần, còn thẳng toẹt ra là… nhà thương điên?
- Xin lỗi cô… cháu không hiểu?
- A, thế nào nhỉ… à, hay như này: chỗ của các cô là ở đâu? Tôi muốn đến để được tư vấn… nội trú luôn! Tôi ăn ở ngủ nghỉ ở đấy luôn!
- Xin lỗi cô, tổng đài của cháu không cung cấp dịch vụ nào như vậy ạ. Nhưng, cô có thể nói rõ ràng hơn mọi chuyện, có lẽ cháu sẽ giúp cô được điều gì chăng?
- Giúp thế nào? Tôi điên mất thôi! Giời ơi! Muốn vào trại tâm thần cũng khó thế đấy!
Cụp! Một âm thanh khô khốc vang lên.
Liệu… có nhầm lẫn gì không? Tớ vừa nghe tiếng “cụp” hay “pằng” thế nhỉ? Mặt tớ méo xẹo nhìn Sếp tuyển dụng. Ngạc nhiên, thấy Sếp cười:
- Chờ đã!
- Dạ?
- Em hãy đợi một tẹo!
Tớ không hiểu Sếp có ý gì.
- Cho người ta một cơ hội, em hiểu không? Để họ một chút tĩnh tâm, rồi họ sẽ gọi lại. Nhưng em phải đợi. Chắc chắn, phải đợi!
Hơi ngạc nhiên với khẳng định như đinh đóng cột ấy, tớ gật đầu, ngồi đợi. Đợi y như chờ một cuộc hẹn.
Và không sai. Khoảng 3 sau, mobile tớ lại rung lên. Vẫn số máy khi nãy.
- Xin lỗi cô, vừa nãy tôi hơi không phải!
- Dạ, không có gì ạ. Giúp được cô tẹo nào là cháu vui rồi. Cô cứ gọi cháu bằng “cháu”, chắc cô cũng tầm tuổi mẹ cháu!
- Cám ơn cháu. Cô điên cả người với con bé nhà cô, mới nghĩ vào béng trại tâm thần! Nhưng vào đó cũng chả giải quyết vấn đề gì. Thôi thì, ờ, biết đâu cháu cũng tầm tuổi con gái cô, có lẽ cháu hiểu hơn chăng?
- Vâng, thế thì cô cứ nói đi ạ, cháu xem thế nào.
“Được lời như cởi tấm lòng”, cô ấy bắt đầu tuôn ra một tràng và tớ cố kiên nhẫn nghe hết, không chen vào nửa lời. Dù nghe thì cũng hơi ức chế. ấy có biết chuyện gì không? Cô ấy… dỗi con gái vì cô bạn này “béo như con heo, mẹ bảo phải giảm cân thì không thèm nghe!” (Nguyên văn lời cô ấy!)
***
Tớ mủm mỉm cười. Hình như các bà mẹ đều giống nhau thì phải. Cô này, nói y hệt… mẹ tớ!
- Cô ơi, thế cô khuyên bảo bạn ấy, cũng y như là cô vừa nói với cháu ạ?
- Ừ. Cô nói rõ ràng, đầy đủ thế đấy. Mà nó có nghe đâu!
- Cô à, thực ra thì những điều cô nói, tụi cháu biết hết. Có những điều tự tụi cháu nhận thức được, cô không phải lo lắng quá thế đâu! Cái chính là dẫu có biết, thì nhiều khi mình hơi thiếu động lực để thực hiện. Nên, thay vì ra rả khuyên can, cô hãy nghĩ xem có thể giúp bạn ấy có động lực như thế nào.
- Cháu nói rõ hơn đi?
- Thực ra, cháu cũng là một đứa có chỉ số BMI hơn mức bình thường…
***
Tớ thích bóng đá là một, nhưng thích đá bóng thì phải là mười! Từ hồi còn bé như cái kẹo, tớ đã lê la bóng bánh với tụi con trai (sau đó còn rủ rê được một hội con gái đá cùng!). Nhưng đến khi lớn lớn một chút, đám con trai không cho đá chung nữa. Và hội con gái ngày xưa, giờ cũng mỗi đứa một ngả. (À, tớ chợt nghĩ: có thể tại lâu không được đá bóng, tớ nhớ quá, nên mới “tròn y chang quả bóng”!)
Đợt vừa rồi, trường tớ tổ chức giải bóng đá nữ. Khỏi nói tớ vui đến thế nào! Nhất là khi lại tập hợp được một đội hình rất chi là ổn từ đám con gái (mà mình nghĩ rằng rất là tiểu thư) trong lớp.
Như một con tàu phá băng, đội tớ đánh bại từ đàn chị, đàn em, đến những đồng chí bằng vai phải lứa. Tớ quen và yêu vô cùng cái cảm giác mệt mỏi sau mỗi lần thắng cuộc.
Nhưng, có một trận – tớ đá dở chừng thì bỏ, cho dù không phải tại tớ mệt hay bị đau đến không đá nổi.
Đó là một lớp đàn em, rất nhiệt tình, rất hết mình thi đấu. Nhưng chỉ thế thôi, không một tẹo “kiến thức chuyên môn”. Thay vì đỡ bóng bằng đầu, các em ấy để bóng đập vào mặt (tất nhiên là rát thôi rồi). Đôi khi, chẳng va chạm gì, các em ấy loay hoay tự làm mình ngã!